Bát Tràng Xưa Và Nay

07/03/2022

Bát Tràng Xưa Và Nay

 

     Xã Bát Tràng (社鉢場) là tên gọi cũ của làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội từ trước năm 1945. Trước đây hơn 800 năm, người dân thôn Bát Tràng di cư từ làng Bồ Bát (xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại, nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đến vùng đất bồi trên bờ sông Hồng, lập phường làm nghề gốm (gạch xây dựng); lúc đầu thôn Bát Tràng được gọi là Bạch Thổ Phường, Xã Bát Tràng (tức làng Bát Tràng ngày nay) thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh) sinh sống chủ yếu bằng nghề làm gốm sứ, buôn bán và làm quan.

     Thời nhà Hậu Lê, xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Sang thời nhà Nguyễn, năm 1822 trấn Kinh Bắc đổi làm trấn Bắc Ninh, năm 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh, lúc này xã Bát Tràng thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An. Đến năm 1862 chia về phủ Thuận Thành và năm 1912 chia về phủ Từ Sơn. Từ tháng 2 đến tháng 11 năm 1949, huyện Gia Lâm thuộc về tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1961 đến nay, huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Năm 1948, xã Bát Tràng nhập với xã Giang Cao và xã Kim Lan lập thành xã Quang Minh. Từ năm 1964, xã Bát Tràng được thành lập gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao như hiện nay.

     Năm 1958, nhà nước thực hiện đào sông Bắc Hưng Hải - Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải làm thuỷ lợi tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng rộng lớn của 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, tạo ra thêm một con đường mới đi vào xã Bát Tràng, vì vậy từ Hà Nội, có thể theo đường thuỷ từ bến Chương Dương hoặc bến Phà Đen, xuôi sông Hồng đến bến Bát Tràng, cũng có thể theo đường bộ qua cầu Chương Dương (hay cầu Long Biên) rồi theo đê sông Hồng đến dốc Giang Cao rẽ xuống Bát Tràng (khoảng 15 km) hoặc theo quốc lộ số 5 đến Trâu Quỳ rẽ về phía tay phải theo đường liên huyện qua xã Đa Tốn đến Bát Tràng (khoảng hơn 20 km). Hoặc từ trung tâm thành phố Hà Nội, nếu theo đường thủy có thể xuất phát từ bến Chương Dương dọc theo sông Hồng đến bến Đình Bát Tràng (cảng du lịch Bát Tràng) hoặc theo đường bộ, qua cầu Chương Dương hoặc cầu Long Biên dọc theo tuyến đê Long Biên-Xuân Quan (đê Tả Hồng) tới cách Cống Xuân Quan (công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải) 1 km là đường vào xã Bát Tràng. Hoặc từ quốc lộ 5 rẽ vào Trâu Quỳ qua xã Đa Tốn lên đê rẽ tay trái khoảng 100m là tới đường vào xã Bát Tràng (cách trường Đại học Nông nghiệp I - Trâu Quỳ chỉ khoảng 5 km).

     Ngày nay việc đến Bát Tràng rất thuận lợi vì từ năm 2006, công ty vận tải Hà Nội đã mở tuyến xe buýt 47 về đến Chợ Gốm Làng cổ Bát Tràng là điểm cuối bến. Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã thuộc loại cao cấp, quý hiếm nhưng phần nhiều là đồ thờ: chân đèn, lư hương, bình hoa. Về sau, do thị hiếu phát triển, cộng với nhu cầu thị trường, gốm Bát Tràng đã có nhiều đồ gia dụng, phổ biến nhất là bát, đĩa, bình, lọ. Ngày nay, cái khéo cái tài của người làng gốm Bát Tràng được phát huy cao độ trong cơ chế thị trường. Nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng đã được sản xuất. Các loại gốm mỹ thuật, gốm sứ công nghiệp, đồ giả cổ, gốm xây dựng cao cấp đã dần được sản xuất nhiều hơn đồ gốm gia dụng. Bây giờ những mặt hàng truyền thống xưa chỉ được làm khi có khách đặt để trùng tu phục chế di tích cổ. Đứng trước những mặt hàng mỹ nghệ gốm Bát Tràng, ta cảm thấy thán phục đến kinh ngạc bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng gốm - những con người đã sai khiến được đất và lửa để tạo nên những men ngọc cho đời.

     Ðến Bát Tràng hôm nay, ít có ai ngờ có một thời nghề gốm sứ nơi đây đã có cơ mai một, cả làng chỉ còn vài lò gốm của HTX với sản phẩm đa dạng như bát, tích, chén, sành chất lượng cấp thấp. Ðể có sức sống đầy xuân sắc hôm nay, người Bát Tràng ngoài cái tinh, cái nhạy còn tiềm ẩn một tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền. Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ Việt để phục chế các nước men gốm sứ Bát Tràng xưa. Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương.

     Tháng 10/2004 chợ gốm Bát Tràng bao gồm các gian hàng của gần 1000 hộ dân chuyên sản xuất đồ gốm tiêu dùng đã được khai trương trên khuôn viên rộng hơn 5.000m² của công ty Cổ phần Gốm sứ Bát Tràng. Không chỉ là nơi trưng bày và tổ chức các cuộc giao thương, người dân Bát Tràng hy vọng chợ gốm sẽ thu hút đông đảo khách du lịch và sẽ nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi
Facebook Gốm sứ Phùng Gia Zalo Gốm sứ Phùng Gia Messenger Gốm sứ Phùng Gia 0943338989
popup

Số lượng:

Tổng tiền: